Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Hướng dẫn thí điểm Cơ chế hải quan một cửa quốc gia

Ảnh minh họa

Đây là quy định của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải nêu tại Thông tư liên tịch hướng dẫn thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng áp dụng gồm các doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lựa chọn phương thức thực hiện các thủ tục hành chính một cửa thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và đáp ứng điều kiện về công nghệ thông tin và các yêu cầu về kỹ thuật theo quy định.

Thông tư nêu rõ, các giao dịch điện tử trên Cơ chế hải quan một cửa quốc gia (giao dịch điện tử) bao gồm khai, nhận phản hồi thông tin về việc xử lý hồ sơ để thực hiện thủ tục hành chính một cửa trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Tiếp nhận và chuyển thông tin khai từ Cổng thông tin một cửa quốc gia tới các hệ thống xử lý chuyên ngành; Nhận kết quả xử lý từ các hệ thống xử lý chuyên ngành tới Cổng thông tin một cửa quốc gia…

Có giá trị như chứng từ giấy

Về giá trị pháp lý của chứng từ hành chính hải quan một cửa, Thông tư quy định chứng từ hành chính hải quan một cửa có giá trị như chứng từ giấy.

Việc gửi, nhận, lưu trữ và giá trị pháp lý của chứng từ hành chính hải quan một cửa được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Chứng từ hành chính hải quan một cửa phải có chữ ký số của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các thủ tục hành chính một cửa (trong trường hợp người khai đăng ký sử dụng chữ ký số).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8/2013.

Theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cơ chế hải quan một cửa quốc gia là hệ thống tích hợp cho phép:

A) Các bên tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nộp hoặc gửi thông tin và chứng từ chuẩn hóa tới một điểm tiếp nhận duy nhất;

B) Các cơ quan Nhà nước xử lý dữ liệu, thông tin và ra quyết định dựa trên hệ thống các quy trình, thủ tục thống nhất và đồng bộ; ra quyết định và gửi quyết định này tới hệ thống được thỏa thuận cung cấp và trao đổi thông tin thống nhất giữa các cơ quan Nhà nước;

C) Cơ quan Hải quan ra quyết định cuối cùng về việc thông quan, giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh căn cứ vào các quyết định của các cơ quan Nhà nước có liên quan được hệ thống chuyển tới kịp thời theo quy định về cung cấp dịch vụ công.

Về lộ trình thí điểm thực hiện, từ tháng 1-12/2013, thí điểm thực hiện ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông vận tải và một số cơ quan Nhà nước ở địa phương thuộc các ngành tài chính, công thương và giao thông vận tải;

Từ tháng 1-12/2014 sẽ mở rộng thí điểm thực hiện ở các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan Nhà nước ở địa phương thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường.

Tháng 12/2014, tổng kết việc thí điểm và đề xuất phương án triển khai chính thức Cơ chế hải quan một cửa quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Thu Nga


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét